Cụ thể, có 213 điều dưỡng người nước ngoài đã vượt qua kỳ thi năm 2017, tăng gấp đôi so với năm 2016 là 104. Tính chung, điều dưỡng viên người Việt Nam chiếm tới 89% số lượng điều dưỡng đang làm việc tại Nhật. Những nước có số lượng điều dưỡng nhiều kế tiếp là Indonesia và Philippines.
Nhật Bản bắt đầu chấp nhận điều dưỡng viên từ Việt Nam từ năm 2014 thông qua một thỏa thuận hợp tác kinh tế. Theo thỏa thuận này, người dân từ Việt Nam, Philippines và Indonesia có thể đến Nhật Bản và làm việc trong các cơ sở điều dưỡng. Những điều dưỡng này phải học tiếng Nhật, muốn làm việc họ phải vượt qua một kỳ kiểm tra chứng nhận. Quá trình thực hiện bài kiểm tra này cho thấy trình độ tiếng Nhật của điều dưỡng người Việt tốt hơn so với người từ nước khác.
Mặc dù số lượng điều dưỡng tăng nhanh, Bộ Phúc lợi Nhật Bản cũng dự đoán nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 380.000 điều dưỡng tại các cơ sở chăm sóc vào năm 2025.
Trước đó, trong một bài viết trên Japan Times cuối năm 2017, Yukio Noguchi, nhà kinh tế học và cố vấn cho Viện Kinh doanh và tài chính Waseda, cho biết: "Sự thiếu hụt lao động sẽ là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai”.
Theo dự đoán mới nhất của Viện Nghiên cứu Dân số và an sinh xã hội Nhật, dân số nước này sẽ giảm hơn một nửa từ 126,8 triệu người năm 2017 xuống còn 50,56 triệu năm 2115 vì mức sinh thấp. Ông Noguchi ước tính tương lai nhu cầu về y tá và nhân viên y tế sẽ mạnh mẽ đến nỗi các công nhân trong ngành này có thể chiếm tới 25% lực lượng lao động vào những năm 2050. Ông cảnh báo một trong bốn người lao động ở Nhật Bản có thể trở thành một nhân viên y tá hoặc y tế. Và giải pháp được đưa ra là giới thiệu người nhập cư bởi vì rất khó để nâng cao năng suất của các dịch vụ chăm sóc y tế bằng robot hoặc máy móc...