70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Theo đại diện JETRO tại Hà Nội, hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp mới tới Việt Nam. Đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản cho thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa “đạt chuẩn” như tại Nhật Bản hay một số quốc gia nhận đầu tư khác nên tỷ lệ rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam thường bị đẩy lên. Đây cũng là thách thức mà Việt Nam cần nhìn nhận để cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khảo sát của JETRO cho thấy, vẫn có tới 70% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ của những năm trước cũng như cao hơn so với tỷ lệ của các quốc gia khác. Lý do chính để mở rộng hoạt động của các DN Nhật Bản là do doanh thu tiếp tục được kỳ vọng tăng (88% DN đánh giá), tính tăng trưởng và tiềm năng cao của thị trường (46%).

viet nam van la diem den dau tu hap dan cua doanh nghiep nhat ban hinh 1
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Nhật Bản. (Ảnh minh họa: KT)

Trong số các DN Nhật Bản tham gia khảo sát, số lượng DN có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2016. Việt Nam hấp dẫn với những lợi thế đầu tư về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, tình hình chính trị - xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra khá tự tin về khai thác thị trường. Báo cáo của JETRO cho thấy, có 80% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng sản phẩm của họ có tính ưu việt về chất lượng nên các sản phẩm của Nhật Bản có khả năng được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận cao hơn so với sản phẩm, dịch vụ của nước khác. Tuy nhiên, cũng có tới 60% doanh nghiệp chỉ ra những khó khăn trong việc “đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực” trong khai thác, mở rộng thị trường.

Vẫn còn nhiều rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam

Báo cáo được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam vừa công bố đã chỉ ra 5 rủi ro trong môi trường đầu tư mà các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam phải đối mặt. Đó là tốc độ tăng chi phí nhân công đang tăng cao (61,6% ý kiến DN nhận định), hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận dụng pháp luật không rõ ràng (46,9%), cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện (38,2%), thủ tục hành chính phức tạp (39,5%) và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp (42%).

Ngoài ra, các DN Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam còn phản ánh những khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu của Việt Nam trong năm 2017 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2016, đạt tỷ lệ 33,2%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hơn 67%, Thái Lan gần 57%, Indonesia hơn 45%.

Trong năm 2017, thị trường xuất khẩu của các DN Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu vẫn là Nhật Bản. Tuy nhiên, xuất khẩu sang EU và Trung Quốc cũng tăng nhẹ so với năm trước. Điều này cho thấy Trung Quốc đang chuyển dần từ trung tâm sản xuất sang thành trung tâm tiêu thụ và đây là thị trường tiềm năng cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Như vậy, so với báo cáo được JETRO công bố đầu năm 2017, chỉ có 2 chỉ số được các DN Nhật Bản đánh giá là có cải thiện hơn so với trước là chi phí nhân công, cơ chế và thủ tục thuế trong khi các chỉ số còn lại đều giảm điểm.

Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, mặc dù 5 rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được phía Nhật Bản đưa ra trong các báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gần đây nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực.

“Chúng tôi không nhìn thấy sự nản lòng trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại đây’, ông Hironobu Kitagawa cho biết.

Giải thích cho điều này, theo ông Hirobobu Kitagawa, khi các DN Nhật Bản mới sang Việt Nam đầu tư, họ thường mang môi trường đầu tư của Nhật Bản hay một số nước phát triển khác để so sánh. Do vậy, phần nào những nhận xét về mức độ rủi ro trong môi trường đầu tư trong Khảo sát cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ rủi ro có thể bị đẩy lên cao hơn thực tế.

Song, theo ông Hirobobu Kitagawa, cho dù kết quả không phải hoàn toàn như đánh giá thì vẫn là thách thức Việt Nam cần nhìn nhận để có những cải thiện hơn nữa trong môi trường đầu tư./.

Trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt mức kỷ lục với trên 8,6 tỷ USD. Số dự án đầu tư mới cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục với 367 dự án. Đặc biệt, không chỉ ngành chế biến, chế tạo mà dòng vốn đầu tư đã đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2017, nổi lên những dự án về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện. Bên cạnh đó, còn có một số dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng như các dự án về điện tử, bất động sản, sản xuất sợi. Ngoài 3 dự án đầu tư lớn có số vốn cấp phép trên 1 tỷ USD, các dự án đầu tư mới chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ.

Nhập email của bạn vào đây để nhận bản tin về các chương trình hội thảo, các thông tin, kinh nghiệm sống, văn hóa nhật bản từ Nhật Huy Khang.