Một công ty ở Thành phố Hamamatsu, Tỉnh Shizuoka, Nhật Bản sẽ cho ra mắt chiếc cặp học sinh nổi trên mặt nước để giúp bảo vệ trẻ em trong các tai nạn và thảm họa liên quan đến nước, dựa trên những bài học rút ra từ trận động đất và sóng thần ở Tohoku năm 2011.
Balo kiêm áo phao là phát minh của một cụ ông 70 tuổi sau khi ông đến thăm trường tiểu học Okawa ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi, nơi bị phá hủy bởi sóng thần do trận động đất năm 2011 gây ra, với sự mất mát của nhiều học sinh và nhân viên.
Chiếc balo có thể dùng làm áo phao được thử nghiệm tại một bể bơi ở Hamamatsu, Shizuoka.
Ông tự hỏi liệu có cách nào để cứu bọn trẻ và nảy ra ý tưởng về những chiếc cặp nổi. Sau đó, ông đã liên hệ với Sakae Shokai, nhà sản xuất và phân phối phụ kiện kính mắt có trụ sở tại Hamamatsu, Quận Shizuoka. Các cuộc họp để thương mại hóa sản phẩm bắt đầu vào tháng 2 năm 2018.
Quá trình phát triển sản phẩm tập trung vào việc làm cho balo có thể dễ dàng đeo và cởi ra, đồng thời tạo nhiều lỗ để ngăn nước tích tụ. Chiếc balo được đặt tên là "Ukuran", ghép từ "浮く - uku" nghĩa là "nổi" trong tiếng Nhật và "ランドセル - randoseru", loại balo truyền thống được sử dụng bởi học sinh Nhật Bản từ lớp một đến lớp sáu.
Ba lô nặng 1,5kg có chiều dọc 35cm, ngang 28cm và rộng 22cm, được làm bằng nylon. Khi được sử dụng như áo phao, nắp trước của ba lô vung qua đầu và có thể được cố định vào ngực bằng dây đai. Trong một thí nghiệm do Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Hàng hải tiến hành, chiếc cặp vẫn nổi trong 24 giờ kể cả khi có một vật nặng 7,5kg gắn vào.
Người thiết kế balo, Etsuko Fujita (trái) giải thích cách sử dụng "Ukuran".
Sách giáo khoa và sổ ghi chép được cất bên trong ba lô trong một túi tote có thể tháo rời, túi này sẽ được lấy ra khi ba lô được sử dụng làm áo phao. Ngoài ra, cặp cũng đi kèm với một chiếc còi để kêu cứu. Mỗi chiếc cặp “Ukuran” được bán với giá 49.500 yên (khoảng 8,9 triệu đồng).
Từ trước đến nay, các sản phẩm chính của Sakae Shokai là hộp đựng và khăn lau kính, và đây là lần đầu tiên công ty này sản xuất một thiết bị cứu sinh. Người đứng đầu kế hoạch và thiết kế, Etsuko Fujita (55 tuổi) cho biết: "Nếu trẻ em gặp tai nạn dưới nước, chúng có thể sống sót bằng cách nổi và chờ cứu hộ."
Chủ tịch công ty, Takashi Yoshizawa phát biểu: "Chúng tôi đã phát triển và tạo ra sản phẩm này vì được truyền cảm hứng từ ý tưởng của người khởi xướng, ông đã nhìn thấy địa điểm bị sóng thần tàn phá ở thành phố Ishinomaki và muốn tạo ra một chiếc Randoseru có thể được sử dụng như một thiết bị cứu sinh".