Giống với Việt Nam hay Trung Quốc, 12 con giáp cũng tồn tại trong văn hóa Nhật và được gọi là "Eto" hay "Juunishi". Tuy nhiên, 12 con giáp của Nhật Bản có sự khác biệt so với Việt Nam. Cụ thể, Sửu là con bò thay vì trâu, Mão là con thỏ thay vì mèo, Mùi là con cừu thay vì dê và Hợi là lợn rừng thay vì lợn nuôi.
Thỏ là loài vật tượng trưng cho may mắn, sung túc, biểu tượng của tham vọng và cấp tiến trong văn hóa Nhật, thỏ cũng xuất hiện trong nhiều câu thành ngữ tiếng Nhật với ý nghĩa sâu xa. Do đó, người tuổi Mão thường được cho là may mắn nhất trong 12 con giáp. Họ là những người có khả năng ăn nói lưu loát, tài năng, tham vọng, đoan chính và kín đáo. Họ cũng có gu thẩm mỹ cực tốt và thường nhận được sự ngưỡng mộ, tin tưởng của người khác.
Từ tháng 12/2022, các tượng gốm, thiệp năm mới Nengajo và lịch năm 2023 lấy chủ đề những chú thỏ - con giáp đại diện cho Mão trong văn hóa Nhật Bản đã xuất hiện khắp mọi nơi.
Taị xưởng làm búp bê Imado-yaki Shirai ở phường Taito, Tokyo, những bức tượng gốm thỏ xinh xắn với đôi tai dài màu hồng trong bộ Kimono màu tím sang trọng được sản xuất cấp tốc để kịp với nhu cầu của người sử dụng.
Tại xưởng làm thủy tinh Ryuhyo ở thành phố Abashiri, nhân công đang chế tạo đồ thủy tinh từ đèn huỳnh quang đã qua sử dụng. Cơ thể của thỏ được tạo ra bằng cách bọc thủy tinh nóng chảy ở nhiệt độ cao 1300 độ quanh một cây gậy dài, thêm tai vào và kéo bằng kéo sắt để tạo hình. Cuối cùng, thêm mắt và mũi bằng thủy tinh trộn sơn đỏ để hoàn thành bức tượng thỏ.
Mùa này, xưởng dự kiến sản xuất khoảng 400 chiếc tượng thỏ nhỏ. Xưởng cũng đã làm xong một bức tượng kagami-mochi bằng thủy tinh mới. Cho đến hiện tại đã có nhiều đơn đặt trước hơn dự kiến và số lượng sản xuất đã tăng lên 200 đơn.
Một điều khác biệt trong văn hóa đón Tết ở Nhật Bản đó là chuyển sang hoàn toàn lịch Dương. Song, người dẫn vẫn giữ tục lệ đi lễ đầu năm để cảm ơn những gì đã nhận được trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Tại các ngôi đền thờ thần đạo, những người đến đây đều xếp hàng trong trật tự, chờ đến lượt làm lễ. Theo phong tục, người dân sẽ ném những đồng xu may mắn, đập tay 2 lần và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân.
Xin quẻ cũng là một hoạt động không thể thiếu khi đi chùa đầu năm của người Nhật. Họ quan niệm rằng đây chính là lời tiên đoán cho năm mới của họ. Bùa hộ mệnh được xem là vật giúp đem lại may mắn cho người Nhật. Chính vì vậy, những tấm bùa hộ mệnh xin được ở Chùa vào mỗi dịp năm mới luôn được người Nhật giữ gìn cẩn thận để cầu mong may mắn đến với họ trong cả năm