Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đang thảo luận vấn đề này với Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú nhằm bổ sung ngành vận tải ô tô vào danh mục “lao động kỹ năng đặc định".
Hiệp hội Vận tải đường bộ Nhật Bản, Hiệp hội Xe buýt Nihon và Liên đoàn các Hiệp hội Taxi Nhật Bản đều nêu trong kế hoạch kinh doanh năm tài khóa 2023 rằng, họ dự định yêu cầu thêm tài xế vào danh sách những người có kỹ năng đặc định.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ đang nỗ lực xác định mức độ thiếu hụt lao động và số lượng công dân nước ngoài dự kiến sẽ được chấp nhận trong 5 năm tới, đồng thời phát triển các bài kiểm tra kỹ năng dành cho người lái xe phù hợp với loại hình kinh doanh.
Sáng kiến này được đưa ra khi có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến tình trạng thiếu hụt tài xế chuyên nghiệp tại Nhật Bản. Đầu tiên, lái xe taxi không phải là công việc thu hút nhiều người trẻ, ở đất nước mặt trời mọc độ tuổi trung bình của tài xế taxi là 58,3 tuổi.
Theo thống kê từ năm 2021, cả nước Nhật khi đó có khoảng 220.000 tài xế taxi, con số này nghe có vẻ nhiều cho đến khi bạn biết rằng vào năm 2011, nước này có đến 340.000 tài xế taxi, nghĩa là hơn một phần ba lực lượng lao động đã bốc hơi trong mười năm đó.
Sự suy thoái du lịch trong đại dịch cũng đã khiến nhiều tài xế trong những năm gần đây quyết định nghỉ hưu hoặc chuyển đổi lĩnh vực công việc.
Để hoạt động trong lĩnh vực vận tải, người lao động cần phải có bằng lái xe được cấp phép ở Nhật và "Giấy phép loại 2" là bắt buộc đối với tài xế xe buýt và taxi chở hành khách. Các bài kiểm tra chỉ được thực hiện bằng tiếng Nhật cũng là một trở ngại đối với người nước ngoài.
Vì vậy, điều cần thiết là xem xét cách hỗ trợ người nước ngoài gặp rào cản ngôn ngữ khi thi Giấy phép lái xe loại 2 và cách đảm bảo lái xe an toàn. Một số người cho rằng nên thiết lập một hệ thống đào tạo dành cho tài xế nước ngoài, nhưng làm thế nào để thiết lập một hệ thống như vậy vẫn còn là một câu hỏi.