Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đất nước Mặt Trời mọc đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối cung-cầu về lao động trong lĩnh vực này.Để giải quyết vấn đề đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở nước ngoài.
Giới chuyên gia nhận định đây chính là cơ hội tốt cho các kỹ sư và doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Nhật Bản thiếu nhân lực trầm trọng
Trong những năm gần đây, cùng với các khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực công nghệ thông tin và mối quan ngại ngày càng lớn về an ninh mạng, nhu cầu kỹ sư công nghệ ở Nhật Bản đã gia tăng chóng mặt trong khi nguồn cung lao động trong lĩnh vực này có xu hướng giảm dần. Điều đó đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin ở đất nước Mặt Trời mọc.
Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 6/2016, METI ước tính số lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở nước này tại thời điểm đó là khoảng 919.000 người, thiếu 171.000 người so với nhu cầu.
METI dự báo nguồn cung lao động trong lĩnh vực này có thể giảm mạnh trong năm 2019. Hậu quả là đến năm 2020, Nhật Bản có thể sẽ thiếu 369.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Con số này có thể sẽ tăng lên mức 789.000 vào năm 2030.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực an ninh mạng, tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra rất trầm trọng khi số lượng lao động vào năm 2016 chỉ là 281.000 người, thiếu 132.000 người so với nhu cầu. Khoảng cách cung-cầu lao động này có thể nới rộng lên mức 193.000 người vào năm 2020.
Tình trạng thiếu hụt kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản đã dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp nhằm giành giật nguồn lực khan hiếm này. Cuộc chiến này không chỉ giới hạn trong phạm vi giữa các công ty công nghệ thông tin mà còn lan rộng sang các lĩnh vực khác.
Chẳng hạn, theo tờ Yomiuri, năm ngoái, tập đoàn Toyota đã đăng quảng cáo "Xin trợ giúp" ở tổ hợp Roppongi Hills (Tokyo), nơi “đóng quân” của hàng loạt công ty công nghệ thông tin.
Trên website của mình, Toyota cũng đăng tải thông tin tuyển dụng các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận diện hình ảnh thông qua kỳ thi về phát triển các hệ thống lái tự động.
Cơ hội cho Việt Nam
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở trong nước, trong những năm gần đây, hàng loạt các doanh nghiệp Nhật Bản đã nỗ lực tìm kiếm và thu hút nguồn nhân tài công nghệ thông tin ở các nước khác, nhất là các nước châu Á. Điều này phù hợp với chính sách tăng cường tuyển dụng các kỹ sư công nghệ nước ngoài mà METI đề xuất trong nghiên cứu công bố hồi tháng 6/2016.
Theo giới phân tích, đây chính là cơ hội lớn cho Việt Nam, nơi có khoảng 55.000 kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng mỗi năm.
Phát biểu tại Ngày Công nghệ Thông tin Việt Nam 2018 ở Nhật Bản vào cuối tháng 2/2018, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, khẳng định với lực lượng lao động có tay nghề cao, chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam chính là lời giải cho bài toán nhân lực công nghệ thông tin của Nhật Bản.
Theo lãnh đạo FPT Software, các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện nay, Việt Nam có 20.000 nhân lực đang phục vụ thị trường Nhật Bản trong lĩnh vực gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO).
FPT Software hiện có khoảng 1.000 nhân sự làm việc tại 5 văn phòng ở Nhật Bản và khoảng 5.000 nhân sự tại Việt Nam đang thực hiện các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Năm 2017, doanh thu của FPT Software tại thị trường này đạt con số 3.599 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh thu của FPT Software và tăng trưởng 26% so với năm 2016. Năm 2018, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng khối lượng công việc từ khách hàng Nhật Bản, FPT Software cần tuyển khoảng hơn 2.000 nhân sự riêng cho thị trường này.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản về gia công phần mềm và dịch vụ. Hiện đã có trên 10 doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam đầu tư mở công ty/chi nhánh tại Nhật Bản.
Giải pháp dài hơi của người Nhật
Không chỉ tìm cách thu hút nhân tài từ các nước khác, để giải bài toán khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở trong nước, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã “bắt tay” với các trường đại học ở các nước láng giềng trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Framgia Inc. là một trong những doanh nghiệp như vậy.
Framgia Inc. là tập đoàn Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển ứng dụng, thiết kế UI/UX, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển các start-up, đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.
Framgia đã thành lập công ty con tại Việt Nam vào tháng 10/2012, với đội ngũ hơn 900 kỹ sư trẻ tới từ nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Bangladesh, Campuchia, Nigeria, Kazakhstan, Nga và Việt Nam.
Kể từ năm 2014 đến nay, Framgia đã triển khai chương trình hợp tác với ba trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin của Việt Nam (gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) để giảng dạy và hỗ trợ sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản.
Tham gia chương trình này, các sinh viên đều có trình độ tiếng Nhật từ N3 trở lên và có nguyện vọng làm việc cho các công ty Nhật Bản. Mỗi sinh viên sẽ có 2 buổi học/tuần với toàn bộ giáo án và bài giảng đều bằng tiếng Nhật. Phần lớn giảng viên tham gia chương trình là các kỹ sư công nghệ thông tin người Nhật có nhiều năm kinh nghiệm.
Theo Framgia, đến nay, có gần 800 sinh viên đã được đào tạo theo chương trình này. Framgia mong muốn phối hợp với ba trường đại học trên để đạt được con số 1.000 sinh viên, tương ứng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin tương lai.
Cùng với chương trình đào tạo trên, Framgia cũng phối hợp với các trường đại học để tổ chức các ngày hội việc làm cho sinh viên công nghệ thông tin. Mới đây nhất, tại Vietnam IT Job Fair 2018 do Framgia phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức vào cuối tháng trước, 4 công ty của Nhật Bản đã tuyển chọn được 16 sinh viên đến từ các trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin tại Hà Nội.
Sau khi được tuyển chọn, các sinh viên này sẽ tiếp tục quá trình học tập tại trường đại học từ 1,5 đến 2 năm nhằm chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng trước khi sang Nhật Bản làm việc.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, đại diện công ty SigmaXYZ, một trong số các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự Vietnam IT Job Fair 2018, chia sẻ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên với khả năng chuyên môn cũng như việc làm việc dưới áp lực cao của các sinh viên Việt Nam. Các bạn có thể giải quyết vấn đề một cách bài bản ngay cả khi còn đang đi học. Khoảng một nửa trong số sinh viên phỏng vấn lần này có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi dự định sẽ quay lại Việt Nam sau 1 đến 2 tháng nữa để giúp các ứng viên chuẩn bị cho công việc tại công ty ở Nhật sau này”.
Theo các chuyên gia, việc tham gia đào tạo và tuyển chọn các kỹ sư công nghệ thông tin ở nước ngoài là một cách làm bài bản của các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này sẽ không những giúp giải quyết vấn đề nhân lực cấp bách ở trong nước mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước này trong dài hạn./.