Mini Car Racing là những chiếc ô tô mô hình, do sinh viên tự thiết kế chế tạo tối thiểu 50%, sử dụng động cơ xăng dung tích từ 22 – 33cm3, có kích thước tối đa (dài x rộng x cao) là 80 x 50 x 50cm, có cấu tạo và nguyên lý hoạt động giống như chiếc ô tô trong thực tế. Sản phẩm phải đảm bảo an toàn về tính kỹ thuật không có góc bén nhọn gây nguy hiểm. Xe mô hình đua trên sa hình được thiết kế riêng, với tổng chiều dài đường đua là 76 m. Năm nay, Ban tổ chức (BTC) cải tiến đường đua về mặt thiết kế, vật liệu chế tạo bằng thép, kết cấu chắc chắn, đồng thời tăng các chướng ngại vật, tăng thêm nhiều thử thách hơn so với các mùa giải trước.
Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích tạo ra một sân chơi học thuật, nâng cao tinh thần sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên bắt kịp xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại.
Điểm đặc biệt của mùa giải năm nay là sản phẩm xe mô hình có sự kết hợp giữa phần cơ khí, điện- điện tử và lập trình điều khiển trên điện thoại di động.
Nhờ sự lan tỏa từ các mùa giải trước, cuộc thi năm nay có nhiều sinh viên đến từ 10 trường đại học – cao đẳng ở khu vực TP.HCM tham gia.
Với chủ đề “Future Cars”, các ô tô mô hình sẽ được ứng dụng công nghệ IoT, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông qua giao thức wifi - Internet thay thế cho các bộ điều khiển dùng sóng RF thông thường.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Thạnh – trưởng BTC cuộc thi: “Với cuộc thi này, sinh viên có cơ hội được học, thực hành và cọ xát nhiều hơn với thực tế, quan trọng hơn là tích lũy kinh nghiệm chuyên môn đa ngành. Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có thể làm quen cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền động trên ô tô. Sinh viên ngành điện - điện tử có thể hiểu kết cấu và nguyên lý của hệ thống điều khiển từ xa bằng điện thoại thông qua giao thức wifi – Internet để kết nối điều khiển xe từ xa như: điều khiển tay ga, rẽ trái, phải. Sinh viên cơ khí có thể ứng dụng các môn vẽ kỹ thuật, hàn, nguội, công nghệ chế tạo máy, AutoCAD để thiết kế và chế tạo khung xe … Ngoài ra, các em sẽ học được những kỹ năng làm việc nhóm và những kỹ năng mềm khác trong suốt quá trình tham gia chế tạo và thi đấu”.
Theo đó, để hỗ trợ cho các đội thi, từ tháng 3/2019, BTC đã tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn thực hành thiết kế chế tạo mạch điều khiển từ xa bằng điện thoại thông qua giao thức wifi – Internet để giúp sinh viên làm quen với các cơ cấu, các giải pháp để tạo ra sản phẩm, cụ thể là: “Hội thảo thiết kế chế tạo xe mô hình” và “Hội thảo thiết kế hệ thống điều khiển xe mô hình”. Không chỉ được hỗ trợ về các thiết bị và các dụng cụ chế tạo, mỗi đội dự thi còn được BTC tặng 1 động cơ xăng 26 cm3 và các phụ kiện kèm theo.
Kết quả, sau 13 trận đấu, giải nhất đã thuộc về nhóm “Auto Best” của nhóm tác giả Nguyễn Đăng Khoa, Phạm Văn Thuận, Huỳnh Phú Lộc, Nguyễn Hữu Trung Hiếu, Bùi Cao Trạng, sinh viên Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, với phần thưởng 15 triệu đồng.
Được biết sau cuộc thi, đội dự thi có sản phẩm với giải pháp kỹ thuật công nghệ sáng tạo, độc đáo về tính năng, thẩm mĩ và kinh tế, tương đồng với cơ cấu thực tế nhất sẽ được khoa lựa chọn làm mô hình mẫu đưa vào giảng dạy.
Bắt đầu nhận được sự quan tâm của sinh viên từ mùa giải đầu tiên năm 2016, năm nay không chỉ sinh viên Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, cuộc thi còn có sự tham gia của các đội dự thi từ nhiều trường như: Đại học bách khoa TP.HCM, Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, Đại học công nghiệp TP.HCM, Đại học giao thông vận tải TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Cao đẳng nghề TP.HCM, Cao đẳng VINATEX… Năm nay, Mini Car Racing thu hút hơn 400 sinh viên thuộc 80 đội (mỗi đội gồm 5 sinh viên) đăng ký dự thi. Sau 2 vòng kiểm tra kỹ thuật, có 49 đội vào vòng sơ loại. Từ kết quả vòng sơ loại, BTC đã tuyển chọn được 27 đội tiến vào vòng chung kết. |
Nguồn: Khoa học Phổ thông