Trải nghiệm và khám phá cuộc sống dễ dàng, đơn giản hơn với những kinh nghiệm sống ở Nhật được chia sẻ dưới đây.
Khám phá cuộc sống Nhật Bản thật dễ dàng với những kinh nghiệm sau đây
Được học tập, làm việc và sinh sống ở Nhật Bản là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Nhất là, trong những năm gần đây, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước như tạo thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi. Bạn đang có ý định sẽ đặt chân đến xứ sở hoa anh đào này để khám phá cuộc sống nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Bài viết sau đây, NHHK sẽ tổng hợp những kinh nghiệm sống ở Nhật đầy đủ, chi tiết nhất để bạn yên tâm trước những lo lắng, bỡ ngỡ của lần đầu, cùng theo dõi nhé!
Các thủ tục cần làm khi tới Nhật Bản
Khi đến Nhật, bạn cần thực hiện nhiều thủ tục để được sinh hoạt bình thường, thuận tiện
Sau khi đã hoàn tất các giấy tờ và sang Nhật thuận lợi, bạn cũng cần lưu ý thực hiện các thủ tục tại Nhật. Đây là những thủ tục bắt buộc và thể hiện bạn sinh sống ở đất nước này hoàn toàn hợp pháp. Cụ thể như sau:
Đăng ký cư trú và gia nhập bảo hiểm sức khỏe quốc dân
Nhiều bạn thắc mắc, vì sao đã làm thủ tục nhập cảnh, nộp các giấy tờ cần thiết và có thẻ cư trú. Nhưng, sau đó, bạn vẫn phải thực hiện đăng ký cư trú theo yêu cầu trường Nhật Ngữ tại trung tâm hành chính thành phố? Bởi, trên thẻ cư trú mà bạn nhận được tại quầy thủ tục nhập cảnh sân bay hoàn toàn không có địa chỉ. Việc đi đăng ký cư trú này thực chất là giúp bạn đăng ký địa chỉ ở khi sống tại Nhật. Tùy theo nơi bạn sống là ở đâu, thì bạn đến trung tâm hành chính thành phố hoặc quận huyện để đăng ký. Địa chỉ cư trú cũng được viết ngay phía sau chiếc thẻ cư trú mà bạn nhận được ở sân bay khi trước.
Về gia nhập bảo hiểm sức khỏe quốc dân, đây là thủ tục bắt buộc mà ai khi vào Nhật sinh sống cũng phải làm. Cụ thể, nếu bạn ở Nhật trên 90 ngày, bảo hiểm này sẽ là thủ tục quan trọng không thể thiếu. Bảo hiểm giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí khi khám chữa bệnh tại đây. Sau khi về nước, bạn có thể làm thủ tục xin thanh toán tiền bảo hiểm này lại.
Làm con dấu cá nhân
Làm con dấu cá nhân cũng là một trong những thủ tục quan trọng mà bạn phải nhớ. Bởi, con dấu này giúp bạn rất nhiều trong việc mở sổ ngân hàng tại Nhật. Giá của một con dấu khi được làm ở đây thường rơi vào khoảng 1.600 yên đến 3.000 yên.
Mở tài khoản ngân hàng
Kinh nghiệm sống ở Nhật không thể thiếu được thủ tục mở tài khoản ngân hàng. Đây là cách giữ tiền an toàn nhất khi bạn phải ở một mình nơi đất nước xa xôi. Đồng thời, mở tài khoản ngân hàng còn hỗ trợ cho việc nhận lương khi đi làm thêm được thuận tiện hơn.
Ở Nhật, bạn có thể tìm đến đăng ký lập tài khoản ở các ngân hàng lớn, uy tín sau đây: Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ, Mizuho, Mitsui Sumitomo, Resona,...
Ngoài ra, còn có một số ngân hàng địa phương như Saitama, ngân hàng Yokohama,... với thủ tục dễ hơn. Bạn có thể lưu lại cho mình, bởi hiện nay nhiều ngân hàng lớn sẽ không hỗ trợ cho lưu học sinh, thực tập sinh mới qua Nhật làm thẻ.
Khi đi làm, bạn nhớ mang theo thẻ lưu trú và con dấu cá nhân để được nhân viên ngân hàng hướng dẫn chi tiết.
Đăng ký điện thoại di động
Ở Nhật Bản, có 3 hãng điện thoại di động lớn mà bạn yên tâm sử dụng là: Docomo, AU và Softbank. Để tham gia, bạn cần phải ký hợp đồng thuê bao 2 năm liên tục. Khi đi đăng ký, bạn nên chọn những cửa hàng điện thoại uy tín hoặc nhờ người hiểu biết tư vấn. Điều này giúp bạn phòng tránh được việc bị lừa đảo bởi những cửa hàng không chân thật nhé!
Đăng ký dịch vụ điện, nước, ga
Với thủ tục này, đa phần chủ nhà hoặc ký túc xá nơi bạn ở sẽ tự động đăng ký hộ, bạn không cần lo. Nhưng nếu cần tự đăng ký, bạn có thể gọi lên công ty điện lực, nước hoặc công ty ga để thực hiện.
Cách sử dụng điện thoại công cộng tại Nhật
Kinh nghiệm sống ở Nhật là nên dùng điện thoại công cộng nếu không cần thiết đến di động
Ngoài việc sử dụng điện thoại di động để đi làm thêm, dùng điện thoại công cộng mang đến nhiều lợi ích hơn. Nếu bạn không ngại ra đường, gọi điện thoại công cộng sẽ tương đối rẻ thậm chí dù bạn có gọi lâu đi nữa. Tại Nhật, điện thoại công cộng vô cùng phổ biến, nên cũng rất dễ sử dụng. Cụ thể, có 2 cách gọi như sau:
- Gọi bằng điện thoại công cộng kỹ thuật số: Đầu tiên, bạn nhấc ống nghe, sau đó cho thẻ điện thoại hoặc tiền xu vào rồi bấm số.
- Gọi bằng điện thoại công cộng Analog: Bạn thực hiện nhấc ống nghe, sau đó cũng cho đồng xu hoặc thẻ điện thoại vào rồi bấm số gọi.
Các loại tiền có thể sử dụng để gọi điện thoại công cộng là: Xu 10 yên, 50 yên hoặc 100 yên. Bạn thực hiện bỏ theo từng đồng, đồng bỏ trước điện thoại sẽ tính cước trước, các đồng chưa tính hết sẽ được trả lại sau khi kết thúc cuộc gọi.
Với điện thoại công cộng, khi gọi khẩn cấp để báo tai nạn, thiên tai sẽ được miễn phí mà không cần bỏ tiền xu. Ngoài ra, khi bạn cần gọi tới các số cố định ngoài khu vực, bạn hãy thêm mã vùng của khu vực đó nhé! Chẳng hạn: Mã vùng của Tokyo là 03, mã vùng Osaka thường là 06,...
Dự toán chi phí cước Internet ở Nhật
Internet ở Nhật Bản cũng khá đa dạng giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn
Kinh nghiệm sống ở Nhật là mọi hoạt động Internet đều phải trả cước theo tháng hoặc ký hợp đồng. Cụ thể, bạn sẽ thấy những loại cước Internet phổ biến và cách dự toán sau đây:
Phí lắp Internet cố định
Nếu sử dụng loại Internet này, bạn sẽ được cung cấp bộ giải mã tại nhà bao gồm 1 thiết bị Modem. Mức phí thường là khoảng 3.800 yên/ 1 tháng cho dung lượng tốc độ 12M (Đối với đường truyền ADSL). Còn đối với cáp quang, tốc độ 100M có giá khoảng 4.500 - 6.000 yên/ 1 tháng. Vì thế, bạn hãy cân nhắc khi lựa chọn để sử dụng đúng yêu cầu mà không lãng phí. Thủ tục lắp đường truyền Internet cố định khá phức tạp và không dùng được ngay.
Phí lắp đường truyền Internet cho Mobile
Với kiểu mạng Internet này, người dùng sẽ sử dụng được ngay lập tức sau khi ký hợp đồng. Nhà cung cấp mạng sẽ giao cho bạn một thiết bị thu Internet 3G và phát Wifi. Giá tham khảo thường khoảng 3.880 yên cho 1 tháng với tốc độ 40M cho WIMAX. Hoặc, với E - Mobile, tốc độ 42M giá tham khảo là 3.880 yên 1 tháng. Tuy nhiên, để đăng ký lắp đường truyền Internet cho Mobile bạn cần có thẻ tín dụng.
Phí đăng ký gói 3G
Gói 3G là gói cước đơn giản nhất để sử dụng, chúng thường được tham gia kèm với khi mua Smartphone. Cước phí dự toán khoảng 5.000 đến 8.000 yên cho mỗi tháng. Cũng như ở Việt Nam, bạn có thể sử dụng điện thoại để phát sóng Wifi và sử dụng với những thiết bị khác. Tuy nhiên, hãy chắc chắn là gói cước bạn đang sử dụng là không giới hạn dung lượng. Nếu không, chúng sẽ bị tính cước rất cao, đây là một kinh nghiệm sống ở Nhật cơ bản nhất!
Mang điện thoại từ Việt Nam sang Nhật dùng được không?
Mang điện thoại từ Việt Nam sang Nhật để sử dụng có thể phạm luật và bị phạt
Về mặt kỹ thuật, đối với những dòng điện thoại đời mới, khi sang Nhật lắp sim vẫn nghe gọi bình thường. Thế nhưng, về mặt pháp luật, việc mang điện thoại từ Việt Nam sang Nhật dùng là không được. Có 2 luật về vấn đề này bạn cần nắm rõ nếu muốn sử dụng điện thoại Việt Nam mang qua:
- Theo luật kinh doanh truyền thông điện: Khi sử dụng điện thoại nước ngoài và gây ra những ảnh hưởng cho thiết bị khác trong nước. Thì, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu bị tra ra.
- Theo luật sóng điện: Điện thoại của bạn buộc phải đảm bảo đúng tần số ở Nhật. Và đương nhiên, chỉ có điện thoại của Nhật mới được thiết kế chính xác cho điều này.
Có một cách đơn giản hơn mà bạn có thể sử dụng điện thoại của mình là thực hiện Roaming. Bởi, Roaming là một dịch vụ giúp bạn tự động chuyển đổi dải tần số sao cho thích hợp với từng nước. Song, không phải điện thoại nào cũng hỗ trợ điều này và phí Roaming thì đắt “không đùa được đâu”.
Quy tắc ứng xử khi lưu trú tại Nhật
Dưới đây là những kinh nghiệm sống ở Nhật về quy tắc ứng xử bạn cần chú ý để không quá “khác người”:
Khi đi tàu điện
- Chờ tàu: Hãy xếp hàng khi chờ ở cửa tàu điện và chỉ xếp ở 2 bên cửa để không làm choáng lối đi. Ngoài ra, bạn cũng tuyệt đối đừng đứng quá gần người khác để không gây phiền hà cho họ.
- Lên tàu: Bạn cần phải đứng yên vị trí chờ đến khi người cuối cùng trên tàu đi ra rồi mới di chuyển. Bạn nên nhớ quy tắc quan trọng rằng, phải nhường người ra tàu trước rồi mới lên.
Khi ở trên tàu điện
Bạn chỉ được ngồi đúng 1 ghế dành cho 1 người, không được quàng tay, chiếm chỗ bên cạnh để hành lý.
Nếu bạn là nam giới, bạn tuyệt nhiên tránh đi vào toa dành riêng cho phụ nữ ở những giờ nhất định.
Không nhận điện thoại và nói chuyện lớn tiếng khi ở trên tàu điện ngầm để không làm phiền xung quanh. Đương nhiên, bạn cũng để điện thoại ở chế độ yên lặng và không phát ra tiếng ồn.
Đặc biệt, bạn đừng khuỳnh chân, khuỳnh tay với tư thế ngồi thoải mái sẽ chiếm nhiều không gian trên tàu.
Khi đi trên đường
Đối với người Nhật, khi đi trên đường bạn phải đi theo bên trái thay vì bên phải như ở Việt Nam. Phương tiện xe đạp sẽ chạy trên vỉa hè dành cho người đi bộ và cần nhường đường cho người đi bộ trước. Ngoài ra, bạn cũng phải giữ cự ly như khi xếp hàng với người đi trước, tránh đi quá gần.
Khi vào nhà người Nhật
Nếu bạn có bạn người Nhật và đến chơi nhà họ, bạn hãy nhớ một quy tắc kinh nghiệm sống ở Nhật rằng, luôn xếp giày, dép ngay ngắn và quay mũi ra cửa. Nếu có dùng nhà vệ sinh thì hãy hỏi xin phép trước khi đi nhé!
Khi đi thang máy/ thang cuốn
Đối với thang máy, bạn hãy chờ người cuối cùng ra khỏi thang máy thì mới đi vào một cách có trật tự. Điều này cũng tương tự như văn hóa đi tàu điện ngầm vừa nhắc bên trên.
Đối với thang cuốn, bạn luôn phải đứng bên trái để tránh làm cản đường những người muốn lên. Khi bạn muốn vượt lên, hãy đi về phía bên phải nhé!
Tips khi sinh sống tại Nhật
Với những Tips này được chia sẻ bởi người đã từng có kinh nghiệm sống ở Nhật, bạn nên tham khảo:
- Uống nước máy tại Nhật bất cứ lúc nào cũng được vì chúng đảm bảo vệ sinh. Song, người Nhật thường cho rằng, nước máy không ngon và họ mua nước tinh khiết đóng chai để uống.
- Ở Nhật Bản, hầu như rất ít gặp trường hợp bị mất điện như Việt Nam.
- Sống tại Nhật, bạn có thể ăn ngay bất cứ khi nào đói bởi các quán ăn luôn mở cửa 24/ 24. Thậm chí, một số siêu thị còn mở tận 24 giờ và 365 ngày một năm.
- Nhật Bản rất an toàn, có thể nói là an toàn nhất trên thế giới nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
- Phần lớn người Nhật thường chọn sử dụng tàu điện ngầm để đi lại. Do đó, bạn đừng quá ngạc nhiên vì tàu điện ngầm lúc nào cũng đông người nhé!
- Và đồng thời, tàu điện luôn chạy chính xác từng phút giúp bạn không sợ trễ giờ làm hay đi học.
- Không khí tại Nhật rất trong lành, sạch thoáng và dễ chịu để đi dạo, hít khí trời.
Không khí ở Nhật vô cùng trong lành và mát mẻ, dễ chịu
- Người Nhật không xin ăn, nên bạn sẽ không gặp trường hợp này khi đi trên đường.
- Cảnh sát Nhật rất lịch sự và thân thiện, họ thường đi tuần tra trên xe đạp màu trắng. Vì thế, khi cần bạn có thể nhờ vả họ để được hỗ trợ mà không cần e dè.
- Khi đi xe đạp, bạn cần để đúng vị trí, tránh những khu vực cấm đổ xe đạp nhé!
- Động đất rất thường xuyên xảy ra ở Nhật, nhất là động đất nhẹ nên bạn không cần lo lắng.
- Khi có động đất, bạn nên chui xuống gầm bàn hoặc nấp vào một chỗ an toàn chứ đừng chạy lung tung.
Kết luận
Chia sẻ những kinh nghiệm sống ở Nhật để bạn có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi sang học tập, làm việc tại nước này
Có lẽ, bạn đang rất háo hức, mong chờ vì sắp được sang đến Nhật Bản để bắt đầu những trải nghiệm của tuổi trẻ. Tuy nhiên, bạn đừng quên lưu lại cho mình những thông tin về kinh nghiệm sống ở Nhật trên nhé! Vì, đây sẽ là những hành trang hữu ích, phần nào giúp bạn dễ dàng thích nghi hơn tại một môi trường hoàn toàn khác so với đất nước mẹ đẻ.